Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

Binh Phuoc Huyện Lộc Ninh,
hotrowebsite.vnpt@gmail.com

Dịch vụ

System.Data.Entity.DynamicProxies.SERVICE_TYPE_DAF51ED6D68D05840B860677319FFD7C6B16EA839D6C76718E944A89F7963EDE?.NAME

Hướng dẫn viên

Mô tả

CĂN CỨ BỘ CHỈ HUY QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), quân đội Mỹ rút về nước tình hình giữa ta và Ngụy có sự chuyển động thuận lợi cho ta trên cả chiến trường miền Nam. Để phù hợp với tình hình mới thuận lợi cho cách mạng miền Nam, do đó TW Cục và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Miền) đã có cuộc thảo luận quan trọng quyết định: TW Cục trở lại Chàng Riệc (phía Bắc tỉnh Tây Ninh), Bộ chỉ huy Miền di chuyển về sóc Tà Thiết, nơi Sở chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), cơ quan tiền phương của Bộ chỉ huy Miền .

Việc chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ chỉ huy Miền bởi Lộc Ninh là vùng giải phóng rộng lớn, huyện giải phóng đầu tiên của miền Nam (7/4/1972), là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh nơi tiếp nhận dự trữ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, với thế rừng rộng lớn, khí hậu ít khắc nghiệt gây được yếu tố bất ngờ đối với địch đó là những lợi thế. Đặc biệt năm 1975, nơi đây chính là nơi thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ Quốc.

Ngày 16/11/1988, khu căn cứ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh.

Ngày 20/4/1995, di tích được trùng tu, tôn tạo theo nguyên hiện trạng.

Ngày 23/12/2015, Căn cứ đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số:2367/QĐ-TTg trở thành di tích Quốc gia đặc biệt.

Để đến với khu căn cứ Bộ chỉ huy Miền chúng ta đi theo con đường QL 13 từ thành phố Hồ Chí Minh đi lên khoảng 130km, đến ngã ba Đồng Tân rẽ bên tay trái theo con đường ĐT - 754, trong kháng chiến gọi là đường liên tỉnh lộ (LTL) 17 khoảng 11 km ta đến với khu căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Toàn bộ căn cứ có tổng diện tích hơn 3.000 ha,  gồm có 09 hạng mục là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền, hầu hết các hạng mục đều được xây dựng nửa chìm, nửa nổi, nép dưới những tán lá rừng cổ thụ, mái lợp bằng lá trung quân có đặc tính: bền, dai, lâu mục, có độ bén lửa thấp tránh được hỏa hoạn, khoảng cách của những hạng mục cách nhau từ 50m đến 600m.

Điểm đầu tiên đến với căn cứ tham quan chúng ta sẽ đến với Đền tưởng niệm của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam để dâng hương tưởng niệm, tri ân với các đồng chí lãnh đạo TW Cục miền Nam, Quân ủy - Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, các anh linh anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự ngiệp giải phóng dân tộc.

Tiếp theo đoàn sẽ đến với Phòng trưng bày để được nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam qua các thời kỳ (1960 – 1975).

 Đi  theo con đường mòn giữa rừng căn cứ ta đến với các hạng mục:

1.Nhà Thượng tướng Trần Văn Trà – Tư lệnh cácLLVTGPMNVN

 Đây là nơi ở và làm việc của đ/c Tư lệnh các LLVTGPMNVN từ tháng 2/1973 đến tháng 4/1975. Ngôi nhà được xây dựng theo mô hình nhà sàn của người Khơme, mái nhà lợp bằng lá trung quân, bên trên nhà sàn là nơi ở và làm việc của Thựơng tướng, bên dưới là hệ thống hầm trú ẩn và giao thông hào thoát hiểm cắt vào trong căn cứ. Nói đến khu vực này chúng ta không thể không nhắc đến yếu tố “lòng dân”, vì xưa kia trên mảnh đất này là một sóc nhỏ của đồng bào dân tộc Khơme gọi là sóc Krom có trên dưới 10 ngôi nhà sàn, đồng chí Tư lệnh đã làm nhà ra đây ở để ngụy trang và hưởng không khí trong lành, ngoài giờ thảnh thơi đồng chí còn trồng cây ăn trái, trồng rau, thả cá…lúc ấy đồng bào ở đây gọi rừng căn cứ là rừng Chính phủ. Qua cách gọi đó ta có thể thấy được chứng tỏ đồng bào đã ý thức được đây chính là cơ quan đầu não kháng chiến của miền Nam nhưng vẫn giữ được yếu tố bí mật cho tới ngày giải phóng.

2.Hầm chữ A (hầm Triều Tiên).

 Đây là loại hầm có sức chịu lực và tránh bom tốt nhất, hầm được áp dụng vào chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1965, khi nhận được bản mẫu thiết kế từ Hà Nội gửi vào các chiến sĩ, sĩ quan phòng Công binh Miền đã nghiên cứu, gia cố thêm hệ thống kèo dọc, kèo ngang, khẩu độ chữ A, và được phân ra các loại hầm: Hầm loại I, kiên cố nhất được trang bị đầy đủ các phương tiện chỉ huy dưới hầm, chiếc hầm đầu tiên được xây dựng áp dụng cho Thượng tướng Trần Văn Trà tại chiến dịch Dầu Tiếng – Bàu Bàng (tháng 11/1965). Hầm loại II, giành cho các đ/c có cấp bậc thượng tá, đại tá. Hầm loại III, giành cho các đơn vị  trực thuộc thông tin, hậu cần…và trở thành hần trú ẩn để chống biệt kích xâm nhập và chống càn lớn trên khắp các chiến trường.

3.Bếp Hoàng Cầm.

 Nơi nấu ăn của Bộ chỉ huy Miền. Bếp Hoàng Cầm do một anh nuôi có tên là Hoàng Cầm phát minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (Chiến dịch Hòa Bình năm 1951),  bếp được sử dụng phổ biến rộng rãi trên khắp các chiến trường trong cả chiến dịch  Biên giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ… kể cả dân công hỏa tuyến, sau đó bếp được hoàn thiện và được sử dụng trong các căn cứ địa cách mạng như: Vĩnh Linh, Củ Chi, Tà Thiết…Bếp có đặc tính: bam đêm nấu không thấy được ánh sáng, ban ngày không thấy được làn khói, hệ thống bếp được đặt âm trong lòng đất, đường ống dẫn khói được bắc ra ngoài bìa rừng, trên miệng ống khói ta phủ một lớp lá cây rừng, trong quá trình đun nấu, khói theo đường ống dẫn lên trên và theo đám lá cỏ cây bay là là dưới mặt đất tạo như một làn sương mỏng, vì vậy mà đã che dấu được tất cả các loại phi cơ do thám tối tân của Mỹ, Ngụy. Ngay cả bên cạnh địch ta vẫn có cơm ngon, canh ngọt để phục vụ nuôi quân. Chiếc bếp đã được biến hóa vào điều lệ kỷ luật của Quân đội với phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng”. Bếp Hoàng Cầm đã đi theo Quân đội ta qua hai cuộc trường chinh gian khổ cho đến ngày toàn thắng.

4.Nhà Chính ủy Bộ chỉ huy Miền.

 Đây là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Hùng trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1973 - 1975), ngôi nhà được xây dựng nửa chìm nửa nổi, mái nhà lợp bằng lá trung quân, nép dưới những tán lá rừng cổ thụ, giữa nhà còn có một hầm mái bằng nối với hầm chữ A cắt ra hệ thống giao thông hào thoát hiểm. Nói đến người Chính ủy chúng ta không thể không nhắc đến người anh cả đầu tiên của cách mạng miền Nam đ/c Nguyễn Văn Linh – nguyên Chính ủy từ năm 1961 – 1964. Đ/c Nguyễn Chí Thanh – nguyên  Chính ủy từ năm 1965 – 1967. Cuối cùng là đ/c Phạm Hùng – nguyên Chính ủy 1968 – 1975. (Giới thiệu tóm tắt tiểu sử đ/c Phạm Hùng).

5.Hầm giao ban Bộ chỉ huy Miền.

Có sức chứa khoảng 30 người, đặt âm dưới lòng đất, được gia cố bằng những cây rừng vững chắc, hai bên cửa hầm đều có nắp đậy. Nơi đây được xem như là một trung tân chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, dù tình hình chiến sự có ác liệt đến mấy các đồng chí lãnh đạo của ta vẫn yên tâm ngồi tại đây để chỉ đạo các phương án tác chiến. Ngoài chức năng giao ban, hội họp khi chiến tranh ác liệt hầm còn được sử dụng trở thành nơi cứu thương cho cán bộ chiến sĩ của chúng ta như nhà báo: Uyn-frết Bớc – sét và Madeleine Riffaud đã từng đến thăm căn cứ, bắt gặp hình ảnh của bốn chiến sĩ đang ngồi đạp bốn chiếc xe đạp ở 4 góc hầm để ứng dụng bằng chiếc đèn đuynamo gắn ở đầu chiếc xe đạp, tạo ra nguồn ánh sáng giúp cho các bác sĩ cứu thương cho cán bộ, chiến sĩ của chúng ta. Khi trở về nước bà đã viết nhiều cuốn sách hay bày tỏ thiện chí với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, trong đó có cuốn sách “Trong vùng kháng chiến của Việt cộng”, xuất bản tại Paris được dịch ra 9 thứ tiếng là loại sách bán chạy nhất thời bấy giờ.

6.Nhà đ/c Lê Văn Tưởng Phó Chính ủy – Chủ nhiệm Cục chính trị QGPMNVN.

Đ/c Lê Văn Tưởng ( Bí danh Lê Chân) sinh năm 1919, tại xã Thạnh Lợi huyện Bến Lức tỉnh Long An. Nguyên Phó Chính ủy BCH Quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ tháng 9/1972 - 4/1975.Thường trực Quân ủy Miền, Chính ủy cánh quân Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Từ năm 1976 – 1987 Chính ủy Quân khu 9, Phó trưởng ban kiểm tra Quân ủy TW.

Đ/c được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng 1984.

7.Nhà Văn bia Cục Chính trị Quân GPMNVN

Nói đến Bộ Chỉ huy Miền chúng ta không thể không nhắc đến các đơn vị trực thuộc giúp việc cho Bộ Chỉ huy như: Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần.

Nhà Văn bia Cục Chính trị QGPMNVN do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng năm 2009, để tri ân với các anh linh, anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

8.Hội trường Bộ chỉ huy Miền.

 Nơi tiếp đón tiếp các phái đoàn lãnh đạo cấp cao Bộ Chính trị , Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, TW Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và triển khai các Chỉ thị của TW Đảng.

Ngày 3/04/1975, căn cứ Tà Thiết đã đón đoàn cán bộ cấp cao của Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Viêt Nam ( A75), do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu đoàn quân từ Buôn Mê Thuột đến để  xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Ngày 7/04/1975, tại đây đ/c Chính ủy Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quan trọng giữa các đoàn Bộ tổng Tham mưu QĐNDVN, TW Cục, Quân ủy Miền, đánh giá tình hình, quán triệt Chỉ thị của Bộ chính trị về quyết tâm  giải phóng Sài Gòn với phương châm: “phải thần tốc, thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng”.

Ngày 8/04/1975, đ/c Lê Đức Thọ -  Ủy viên Bộ chính trị phổ biến Nghị quyết của TW Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, gồm có các đồng chí :

        -  Tư lệnh – Đại tướng Văn Tiến Dũng 

        -  Chính ủy – Đồng chí Phạm Hùng

        -  Phó Tư lệnh gồm các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện. 

Để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ chỉ huy Miền đề nghị TW đổi tên Chiến dịch giải phóng  Sài Gòn – Gia Định lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

19h ngày 14/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nhận được bức điện số 37/ TK do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn ký “ Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

9.Nhà làm việc của đ/c Lê Đức Anh – Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân giải phóng MNVN.

 Đ/c Lê Đức Anh sinh năm 1920, tại xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đ/c tham gia hoạt động cách mạng ở nhiều cơ sở từ Trung kỳ vào đến Nam kỳ, năm 1942 đ/c hoạt động từ Đà Lạt xuống Lộc Ninh đóng vai một thầy xu (người tiếp phẩm) trong đồn điền cao su Lộc Ninh. Tháng 2/1944 Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Lộc Ninh được thành lập, đ/c là Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lộc Ninh, năm 1954 đ/c tập kết ra Bắc. Năm 1965 đ/c giữ chức vụ Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân gải phóng MNVN. trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đồng chí giữ chức vụ  Phó tư lệnh chiến dịch. Năm 1974 đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, năm 1984 được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Đại tướng.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng , Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự TW từ năm 1987 – 1991, năm 1992 – 1997 giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

 10.Nhà đ/c Nguyễn Thị Định – Phó tư lệnh Quân giải phóng MNVN (1920 – 1992).

Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/03/1920, tại xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi và lập nhiều chiến công hiển hách cho đất nước Việt Nam. Tháng 04/1946, đồng chí cùng đoàn cán bộ vượt biển ra Bắc nhận nhiệm vụ tối mật của TW, và cũng chính là người mở đầu cho những chuyến tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Năm 1960, chỉ huy đội quân tóc dài trong phong trào Đồng khởi Bến Tre. Năm 1965, giữ chức vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng MNVN (B2), Ủy viên Quân ủy Miền, tháng 4/1974 đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng.

Cuộc đời tham gia cách mạng đồng chí đã đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó. Nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa IV, V, VI. Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đại biểu Quốc hội khóa V, VI, VII. Là người phụ nữ đầu tiên được phong quân hàm cấp tướng của nước CHXHCNVN. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quí xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ Việt Nam mà Bác Hồ đã trao tặng. “Anh  hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

          Như vậy, trong kháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tình hình diễn biến phức tạp của chiến tranh nên căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt nam đã phải di chuyển qua nhiều căn cứ, nhưng căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được xây dựng vào tháng 2/1973, và được xây dựng qui mô lớn mạnh nhất, không những là nơi dự trữ hậu cần chiến lược mà còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước./.

Những điểm lân cận

Bản đồ