Lịch sử Sóc Bom Bo
Sóc Bom Bo thuộc địa phận thôn Bom Bo, xã Bình Minh. Những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước nói riêng đã đóng góp sức người, sức của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ – ngụy liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược hòng tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, khi địch ruồng bố gắt gao, thì già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “ Nửa Lon” để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, tăng gia sản xuất và vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, du kích, làm giao liên; còn phụ nữ và trẻ em thì đêm đêm giã gạo nuôi quân.
Bom Bo có gì ?
Với những giá trị lịch sử hào hùng và để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh Bình Phước quyết định xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có tổng diện tích 113,4 ha để giữ gìn bản sắc văn hóa của bà con Xtiêng, đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Du khách đến đây sẽ được tham quan tại 2 khu vực: Tại khu vực Nhà đón tiếp, du khách sẽ được tham quan Phòng trưng bày, thưởng thức và trải nghiệm đánh đàn đá bài Tiếng chày trên Sóc Bom Bo. Sau đó, du khách đi lên đồi khu vực sân lễ hội tham quan các kỷ lục Việt Nam (Bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam; Bộ đàn đá nặng 20 tấn) và 2 căn nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhánh Bù lơ. Du khách được nghe thuyết minh về văn hóa truyền thống của người S’Tiêng; lịch sử đấu tranh, giã gạo nuôi quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được thưởng thức các món ăn dân giã của đồng bào: canh thụt, cơm lam, gà nướng, uống rượu cần…., chơi những trò chơi như cõng nước, giã gạo; biễu diễn cồng chiêng, múa dân gian…
Ngoài ra, Khi đến tham quan Khu Bảo tồn Văn hóa S’Tiêng Sóc Bom Bo du khách có thể kết hợp tham quan nhà Già làng Điểu Đố để tìm hiểu thêm nét văn hóa của đồng bào S’Tiêng, tham quan Thác Đứng một thác nước với các tảng đá xếp chồng với các hình thù ấn tượng như có sự xếp đặt của bàn tay con người, Trảng cỏ Bù Lạch với hơn 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau trãi dài làm say đắm lòng người.
Liên hệ ai ?
Bạn trải nghiệm, khám phá vùng đất Bù Đăng, bạn hãy liên hệ: 0963502357 (Anh Tuấn – Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’Tiêng Sóc Bom Bo) để được hướng dẫn và đặt các dịch vụ.