Di Tích Miếu Bà Rá – Nơi Thờ Cúng Bà Chúa Xứ Nương

Di tích Miếu Bà Rá

Di tích Miếu Bà Rá tọa lạc tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Di tích Miếu Bà Rá được xây dựng từ năm 1943 tại địa điểm thực dân Pháp sát hại các chiến sỹ cách mạng khi bị giam cầm tại Nhà tù Bà Rá (địa điểm này thường được goi là gốc cây Cầy). Miếu Bà Rá là một trong những chứng tích ghi dấu cuộc sống cùng cực của những người mộ phu, những người tù nhân, những chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Bà Rá. Năm 1958, Miếu Bà Rá được di rời về nơi tọa lạc hiện nay (cách vị trí cũ 500m).

Di tích Miếu Bà Rá thờ bà Chúa Xứ Nương Nương, kiến trúc và cách bài trí thờ cúng của Miếu là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam tòa thánh mẫu dưới hậu đền) ở Bắc Bộ và tín ngưỡng thờ Bà (Chánh điện) ở Nam Bộ. Thờ Bà, thờ Mẫu trong Miếu Bà Rá là biểu hiện của sự giao thoa văn hóa các dân tộc, các vùng miền trên đất Bình Phước. Miếu Bà Rá không chỉ là nơi ghi dấu sự xâm lược của thực dân Pháp trên vùng đất Bình Phước mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Bình Phước nói chung và nhân dân các tỉnh lân cận nói riêng. Đông đảo nhân dân tìm đến đây như tìm về với cội nguồn, tìm đến sự chở che như một thứ tình cảm đặc biệt, giúp họ xua tan đi nỗi nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống thường ngày và hướng về sự bình yên, may mắn. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, từ năm 1962 đến nay từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 3 Âm lịch hàng năm, đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh về Miếu Bà Rá tham dự lễ hội vía Bà. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất, đặc trưng nhất của Bình Phước.

Di tích Miếu Bà Rá được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 08/01/2015.

Bài viết liên quan