Di Tích Thác Đứng – Ngọn Thác Hùng Vĩ Giữa Núi Rừng

Di tích Thác Đứng

Di tích Thác Đứng tọa lạc tại 02 xã: Đoàn Kết và Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Thác Đứng còn có một tên gọi khác theo cách gọi của người S’tiêng – là N’Hai Lien Por. Theo tiếng S’tiêng thì “N’Hai” có nghĩa là chiều cao, “Lien” có nghĩa là đá và “Por” có nghĩa là máng nước. N’Hai Lien Por có thể hiểu theo nghĩa là máng nước chảy từ ghềnh đá ở trên cao xuống.

Thác Đứng do suối Đak Quotte tạo thành, là kết quả của quá trình kiến tạo tự nhiên lâu dài, cách nay hàng triệu năm về trước. Thác Đứng có chiều rộng khoảng 16m – 18m, lòng thác rộng khoảng 15m, ẩn trong màu xanh của rừng cây. Điểm ấn tượng của thác là có nhiều cột đá lớn kết cấu thành vách, các hòn đá tụ lại có hình thù rất đặc biệt, nhìn giống hình những bông hoa hoặc mai của con rùa lớn. Đặc biệt là hai bờ phía tả ngạn và hữu ngạn có những tảng đá có dạng hình lục lăng, hình hộp chữ nhật đường kính khoảng 0,5m – 1m dài khoảng từ 1,5m – 2,5m dựng đứng và ghép nối với nhau tự nhiên, như được đẽo gọt và sắp đặt bởi bàn tay con người. Chính ở những điểm khác biệt này đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của Thác Đứng, không giống như các dòng thác khác trên địa bàn huyện Bù Đăng. Dưới chân thác có rất nhiều tảng đá lớn, có những tảng đá tự nhiên vuông vức, bằng phẳng giống những chiếc bàn hình chữ nhật rất kỳ bí, thích hợp cho du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi sau khi khám phá, thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng của Thác.

Thác Đứng ngoài ý nghĩa là một thắng cảnh đẹp, một hiện tượng kiến tạo tự nhiên rất đặc biệt, một thác nước hiếm ở Bình Phước và còn là chứng nhân cho các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào S’Tiêng ở Bù Đăng. Thác Đứng là địa điểm du lịch, vui chơi lý tưởng, hấp dẫn đối với du khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Di tích Thác Đứng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh ngày 25/11/2013.

Bài viết liên quan